Thứ Hai, 21 tháng 9, 2015

Tp.HCM giảm gánh nặng cho hơn 600 dự án nhà ở đang ngắc ngoải

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (BĐS)Tp.HCM Lê Hoàng Châu cho biết, trong số hơn 689 dự án phát triển nhà ở phải ngừng triển khai trên địa bàn TP thời gian qua, phần lớn là do chủ đầu tư không tự thỏa thuận được giá bồi thường với người dân.

Nguyên nhân là theo quy định hiện hành thì chủ dự án phải thỏa thuận giá bồi thường cho người dân đến mét vuông đất cuối cùng.
Theo đó, thời gian tiến hành thương lượng để giải phóng mặt bằng kéo dài càng khiến nhiều dự án nhà ở tại TP rơi vào cảnh bế tắc. Nhằm gỡ khó cho doanh nghiệp BĐS có dự án bị chậm tiến độ do ách tắc trong khâu bồi và thường giải phóng mặt bằng, Hiệp hội BĐS TP cũng đã nhiều lần đề nghị chính quyền có biện pháp hỗ trợ nhà đầu tư đối với những dự án đã bồi thường và giải phóng mặt bằng được từ 80% diện tích trở lên để doanh nghiệp sớm đưa dự án vào triển khai thực hiện, nhằm tránh lãng phí chi phí đầu tư và thời gian.
Do đó, giải pháp được đưa ra là đối với dự án đã bồi thường và giải phóng mặt bằng liền thửa thì cho phép nhà đầu tư được điều chỉnh quy hoạch thực hiện trong phạm vi đất đã được bồi thường. Còn đối với dự án đã giải phóng mặt bằng dạng da beo thì chính quyền địa phương cần có cơ chế để người có đất tham gia hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng với mức giá đền bù không thấp hơn mức giá cao nhất mà nhà đầu tư đã đền bù trong dự án và góp vốn cùng nhà đầu tư thực hiện đầu tư kinh doanh dự án đó.
Hiện nay, tiền sử dụng đất vẫn là một gánh nặng đối với doanh nghiệp địa ốc. Bởi tiền sử dụng đất là một ẩn số, nếu không nắm rõ chi phí thì chủ dự án không thể tính toán được hiệu quả trước khi quyết định đầu tư dự án có sử dụng đất, điều này sẽ khiến chủ đầu tư địa ốc lâm vào tình cảnh khó khăn sau khi thực hiện dự án dở dang. Tuy nhiên, cuối cùng chi phí tiền sử dụng đất vẫn sẽ được tính vào giá bán mà khách hàng phải gánh chịu khi mua sản phẩm BĐS.
Dự án bất động sản
Hiện nay, rất nhiều dự án BĐS đang cần được hỗ trợ
Chính vì thế, ông Châu đề nghị để giảm nhẹ gánh nặng cho nhà đầu tư thì cần xem xét thay thế khái niệm tiền sử dụng đất bằng sắc thuế sử dụng đất ở với thuế suất nhất định ở mức khoảng 10% - 15% bảng giá đất. Việc quy định như vậy sẽ hạn chế việc thu tiền sử dụng đất lần đầu quá lớn để duy trì nguồn thu lâu dài, bền vững cho ngân sách. Từng phải trả tiền đất 2 lần nên ông Châu cũng cho rằng, việc điều tiết 20% tổng diện tích đất ở của dự án phát triển địa ốc không phân biệt quy mô dự án, nhằm tạo quỹ đất phát triển nhà ở xã hội là chưa hợp lý, do đó cần giảm xuống thấp hơn. Nên quy đặt mức điều tiết trong khoảng 10% diện tích đất dự án là hợp lý và giá trị phần diện tích đất này cần cho phép chủ dự án chọn phương án trả bằng quỹ nhà ở hoặc được nộp bằng tiền.
Đồng thời, việc buộc chủ dự án phải ký quỹ số tiền từ 1-3% để đảm bảo việc thực hiện dự án, đối với các dự án quy mô lớn sẽ là con số không hề nhỏ.
Nhằm khắc phục hạn chế đó, Hiệp hội BĐS TP cũng đưa ra đề nghị cần có quy định cụ thể mức ký quỹ với từng nhóm dự án để tạo sự minh bạch với chủ đầu tư. Theo đó, mức được Hiệp hội BĐS TP đề nghị là đối với dự án có vốn đầu tư dưới 300 tỷ đồng thì mức ký quỹ là 3%; đối với dự án có vốn đầu tư từ trên 300-1.000 tỷ đồng thì mức ký quỹ là 2% và dự án có vốn đầu tư trên 1 nghìn tỷ đồng thì mức ký quỹ là 1%.
Theo Hiệp hội BĐS TP, khoản tiền ký quỹ này phải được hoàn trả dần cho chủ đầu tư theo tiến độ thực hiện dự án và đối với những trường hợp chủ đầu tư dự án đã tự mình bồi thường tạo được quỹ đất sạch thì không phải thực hiện nghĩa vụ ký quỹ.
Trước xu hướng DN BĐS đang tự tái cấu trúc và tái cơ cấu đầu tư thông qua một loạt các hoạt động mua bán sáp nhập DN, hợp tác,… thì để triển khai các dự án mới và tái khởi động các dự án "đắp chiếu", giải quyết nợ xấu, hàng tồn kho, tạo điều kiện cho DN BĐS thực hiện dự án, thì ông Châu cho rằng việc thí điểm cho phép chuyển nhượng dự án BĐS giữa các nhà đầu tư khi đã có quỹ đất sạch cũng cần được chính thức đưa ra xem xét.
(Theo CAND Online) 

Đầu tư BĐS nào lãi cao, giữ giá tốt với 4 tỷ đồng?

Trước câu hỏi của bạn Hoàng Văn Thuận, ông Nguyễn Mạc Hoài Nam, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn Đầu tư Nam Phát nhận định, việc đầu tư vào BĐS nào thu lợi nhuận cao nhất phụ thuộc vào cách thức đầu tư của mỗi người, tùy vào việc bạn chọn đầu tư sinh lợi nhuận chủ động hoặc thụ động, cụ thể:

Thứ nhất, đầu tư sinh lời nhuận chủ động là việc mua một tài sản, chủ động làm cho tài sản này gia tăng giá trị bằng cách nâng cấp, sửa chữa, làm mới và bán đi hoặc cho thuê trực tiếp, xoay vòng luân chuyển nguồn tiền tạo ra lợi nhuận. Hoạt động này đòi hỏi người đầu tư cần phải am hiểu, chuyên nghiệp trong lĩnh vực họ rót tiền và phải dành ra nhiều thời gian cho nó hay nói cách khác là các nhà đầu tư BĐS chuyên nghiệp.
Thứ hai, đầu tư sinh lợi nhuận thụ động là mua BĐS, cho thuê nhằm kiếm lời hàng tháng hoặc để tài sản này bất động trong một thời gian không làm gì cả (như đầu tư đất nền) rồi bán để thu lời.
Sau đây, tôi chỉ đề cập tới khía cạnh đầu tư sinh lợi nhuận thụ động. Lấy 10 năm sau khi đầu tư làm điểm mốc. Tính bình quân trong vòng 10 năm, lãi suất ngân hàng là 7%/năm. Chúng ta sẽ tạm tính cho 4 loại hình là chung cư, nhà phố, đất nền, biệt thự biển có cam kết sinh lời trong 10 năm.
Đối với căn hộ chung cư cho thuê, mức giá cho thuê đạt từ 17-22 triệu/tháng, tính trung bình là 20 triệu/tháng, tiền cho thuê nhà gia tăng 5% sau thời gian 3 năm. Như vậy, sau 10 năm, tỷ lệ tiền cho thuê trên tổng số vốn đầu tư đạt 90%.
Nhà đầu tư rót tiền vào phân khúc nào phụ thuộc vào sở thích, kế hoạch trong tương lai
và độ chấp nhận rủi ro. Ảnh: Trí thức trẻ
Đối với nhà phố, số tiền 4 tỷ đồng, bạn chỉ mua được ngôi nhà phố mặt tiền đường nhỏ tại các quận vùng ven hoặc trong những hẻm vừa phải tọa lạc ở các quận vừa vừa (không thuộc trung tâm). Các căn nhà này có giá cho thuê khoảng từ 15-20 triệu/tháng, tính trung bình là 17 triệu/tháng, tiền cho thuê nhà gia tăng 5% sau thời gian 3 năm. Như vậy, sau 10 năm, tỷ lệ tiền cho thuê trên tổng số vốn đầu tư đạt 77%.
Trường hợp bạn mua đất nền để yên sau thời gian 10 năm mới bán. Mua biệt thự biển nằm trong phân khúc nghỉ dưỡng, chủ đầu tư đảm bảo tiền lãi hàng năm là 90% lợi nhuận nhưng lại không thấp hơn 8%/năm bằng USD, thời hạn đảm bảo 10 năm, tốc độ mất giá của đồng tiền Việt Nam so với USD là 1,5% năm. Sau 10 năm, tỷ lệ tiền cho thuê trên tổng số vốn đầu tư đạt 120%.
Những phương án trên đều không xét đến tốc độ tăng giá của chung cư, nhà phố, đất nền, biệt thự biển sau 10 năm cũng không xét tới chi phí bảo trì, bảo dưỡng, chi phí môi giới cho thuê chung cư, nhà phố, những ưu đãi được hưởng trong vòng 10 năm.
Trên đây là những con số phân tích thuần túy về mặt số học, còn việc quyết định đầu tư vào phân khúc nào còn tùy thuộc vào sở thích, các kế hoạch khác trong tương lai và độ chấp nhận rủi ro.
Tuy nhiên, khi đầu tư vào phân khúc đất nền cần chú ý tới tiềm năng phát triển trong thời gian tới, chủ đầu tư đã triển khai thi công hạ tầng hay chưa và nhất là giá có rẻ hơn trong khu vực hay không bởi lợi nhuận là phụ thuộc rất lớn vào giá khi mua.
Vì thế, khi quyết định đầu tư vào một phân khúc BĐS nào cũng cần có các lưu ý riêng. Đơn cử, với nhà phố, căn hộ: cần có các kết nối giao thông thuận lợi, khu vực an ninh tốt, tránh mua những khu vực có vấn đề an ninh phức tạp. Đối với biệt thự biển: chỉ xem xét những dự án có cam kết cụ thể của chủ đầu tư, tiến độ thi công tốt và có đơn vị quản lý khai thác dịch vụ chuyên nghiệp.
Chúc bạn đầu tư thành công!
(Theo Vnexpress) 

Chủ Nhật, 20 tháng 9, 2015

Đồng Nai đề xuất thu hồi đất trước khi dự án Sân bay Long Thành được duyệt


Mới đây, khi thị sát khu vực xây dựng Sân bay Long Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Trần Văn Vĩnh đã đề xuất với Đoàn công tác của Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Chính phủ cần có một cơ chế đặc biệt cho dự án Sân bay Long Thành. Cụ thể là cho phép xây dựng ngay khung chính sách và tiến hành thu hồi đất trước khi dự án được phê duyệt.

Dự án Sân bay Long Thành hiện nay mới có chủ trương đầu tư chứ chưa được phê duyệt. Mà Luật lại quy định, sau khi được phê duyệt thì dự án mới được phép giải phóng mặt bằng.
Nhưng nếu phải đợi dự án Sân bay Long Thành được phê duyệt rồi mới tiến hành thu hồi đất thì việc giải tỏa mặt bằng nhiều khả năng sẽ bị chậm và không kịp để khởi công vào năm 2018.
Chính vì vậy, khi thị sát khu vực xây dựng Sân bay Long Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Trần Văn Vĩnh đã đề xuất với Đoàn công tác của Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Chính phủ cần có một cơ chế đặc biệt cho dự án Sân bay Long Thành. Cụ thể là cho phép xây dựng ngay khung chính sách và tiền hành thu hồi đất trước khi dự án được phê duyệt.
Ông Vĩnh cho biết, khu vực xây dựng Sân bay Long Thành có mật độ dân cư thấp, tuy phải giải tỏa hàng nghìn ha đất, song số hộ dân bị ảnh hưởng không quá lớn (toàn dự án có hơn 4.700 hộ bị ảnh hưởng), tính riêng giai đoạn 1 có gần 1.900 hộ dân.
Dự án Sân bay Long Thành
UBND tỉnh Đồng Nai đề xuất cho phép thu hồi đất trước khi
dự án Sân bay Long Thành được duyệt
Đa số diện tích đất giải tỏa (trên 1.800 ha) là đất trồng cao su do công ty Nhà nước quản lý. Hầu hết người dân phải di dời nhường đất cho dự án đều có mong muốn sân bay sớm xây dựng để họ nhanh chóng ổn định cuộc sống. Điều đó rất có lợi cho giải phóng mặt bằng và thu hồi đất có thể thực hiện một lần cho toàn bộ dự án.
Bên cạnh đó, trong thời gian qua, UBND tỉnh Đồng Nai cũng tích cực xây dựng, nhằm hoàn thiện đề án bố trí tái định cư và giải quyết việc làm cho dân vùng dự án, đồng thời quy hoạch hai khu tái định cư với diện tích trên 500 ha. Tỉnh Đồng Nai đã có kế hoạch cụ thể bố trí người dân bị ảnh hưởng bởi dự án vào làm việc tại các khu công nghiệp đang hoạt động tại Long Thành.
Cũng tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật cho hay, Bộ Giao thông Vận tải hiện đã thành lập Ban chỉ đạo triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Buổi thị sát làm việc này của đoàn với mục đích để tìm hiểu thực trạng khu vực triển khai dự án và các bước chuẩn bị của tỉnh Đồng Nai.
Theo ông Nguyễn Nhật, thời gian qua, các cơ quan chức năng của Đồng Nai đã có nhiều nỗ lực trong công tác chuẩn bị và thống kê số tổ chức, hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án; xây dựng chu đáo phương án tái định cư và bố trí việc làm cho dân.
Về việc Đồng Nai kiến nghị cho phép thu hồi đất trước khi dự án được phê duyệt, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đề nghị tỉnh Đồng Nai rà soát lại các luật liên quan, sau đó xây dựng lộ trình cụ thể.
Ông Nguyễn Nhật nhấn mạnh, nếu triển khai thu hồi đất ngay từ bây giờ thì Đồng Nai sẽ cần nguồn vốn giải ngân như thế nào và cần những thủ tục gì. Sau khi hoàn thiện những điều này thì tỉnh gửi kiến nghị cho Bộ Giao thông Vận tải để Bộ xem xét và xin chủ trương của Chính phủ.
(Theo Vietnam+)